Lần nào cũng vậy,ăngkhôngđángkểtácđộngrấtđángkểoffice 365 mỗi lần tăng giá điện hay các mặt hàng thiết yếu đầu vào, cơ quan có thẩm quyền đều trấn an, rằng đã tính toán kỹ tác động đến từng hộ dân, đến CPI... là không đáng kể. Thế nhưng nhiều lần "không đáng kể" sẽ thành "đáng kể". Gom tất cả những cái "đáng kể" với nhau, thị trường thiết lập một mặt bằng giá mới. Đó là phần tăng chính thức. Cái mà người dân sợ hơn là hiện tượng "tát giá" ngoài chợ, ngoài hàng quán. Lấy ví dụ, cả năm nay giá heo hơi sụt giảm, người nuôi thua lỗ, nhưng giá thịt heo ngoài chợ cũng như các thực phẩm chế biến từ heo có giảm tương ứng không? Xin thưa là không. Giá xúc xích, chả lụa, các món ăn có nguyên liệu từ thịt heo vẫn neo cao. Tương tự, khi xăng dầu tăng giá, cước vận tải nhấp nhổm tăng theo. Tới khi giá nhiên liệu giảm mạnh thì các dịch vụ này có đủ mọi lý do để trì hoãn giảm giá. Những điều này, chúng ta đã chứng kiến nhiều lần đến mức hiện tượng giá chỉ tăng không giảm. Tăng dễ giảm khó... gần như đã trở thành "quy luật" không chỉ với một số mặt hàng thiết yếu mà cả với thị trường hàng hóa.
Điểm lại trong thời gian gần đây những sản phẩm, dịch vụ cơ bản nào đã tăng giá. Có thể thấy không hề ít, từ điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục, gạo... mỗi thứ đều tăng "không đáng kể". Nhưng rõ ràng, đời sống của người dân, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp (DN) thì lại bị tác động đáng kể. Cộng với những khó khăn riêng của nền kinh tế, khó khăn chung trên toàn cầu, sức mua thị trường nội địa sụt giảm mạnh. Cũng vì thế, chưa bao giờ tường thành sức mua bị "công phá" nhiều như năm nay. Ở cấp vĩ mô, chúng ta giảm thuế giá trị gia tăng, thuế môi trường với xăng, hỗ trợ tiền thuê đất cho DN và nhiều chính sách khác. Các tỉnh thành cả nước thực hiện những chương trình khuyến mãi lớn chưa từng có. DN thì nỗ lực hậu mãi, giảm giá... nhưng hầu như không ăn thua. Cứ nhìn vào giỏ hàng của các bà nội trợ mỗi ngày sẽ thấy teo tóp thế nào. Hoặc tính toán và so sánh thử, cùng một số tiền ra chợ ở thời điểm hiện tại và trước đây, chất lượng mâm cơm của chính chúng ta có như nhau không sẽ hiểu, vì sao tăng không đáng kể nhưng lại tác động đáng kể.
Dẫn ra để thấy tăng giá bất cứ mặt hàng nào lúc này phải đặt để trong bối cảnh tổng thể đó. Phải định tính, định lượng tất cả dữ kiện đầu vào, đầu ra chứ không thể nói tăng tỷ lệ này thì chỉ tác động tỷ lệ kia một cách máy móc. Chưa kể ở thời điểm hiện tại, "cớ" để đẩy giá cũng không ít. Thị trường vào mùa cao điểm cuối năm, chi phí đầu vào tăng, nhu cầu cao hơn, thậm chí vì nhiều người sắp có lương, thưởng tết... đều có thể trở thành cái cớ để "tát giá". Thế nên nếu không kiểm soát tốt, những cái tăng không đáng kể có thể lại thành rất đáng kể.
Trở lại với tăng giá điện, chúng ta đều biết đó là việc chẳng đặng đừng. Ngành điện lỗ nặng vì giá bán ra thấp hơn chi phí đầu vào. Nếu không tăng thì mất thanh khoản, nguy cơ thiếu điện càng trầm trọng hơn. Cái khó của điện, ai cũng biết. Nhưng vì sao mỗi lần điện tăng giá, chưa nhận được sự thông cảm của đa số người dân? Vì tăng giá phải đi cùng cam kết bảo đảm đủ điện cho sản xuất kinh doanh, cho đời sống sinh hoạt; phải công khai minh bạch chi phí đầu vào - đầu ra để giá điện tiến tới có tăng, có giảm; phải sớm có các chính sách cho phép DN trong các khu công nghiệp được tận dụng nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời, để vừa tiết kiệm vừa giảm chi phí về năng lượng trong dài hạn. Người dân có thể tự sản tự tiêu, dùng không hết thì bán điện cho nhà hàng xóm...
Được như vậy thì người dân, DN sẽ thông cảm hơn khi điện tăng giá.